Kết quả xét nghiệm 196 mẫu nước trên địa bàn TP Hà Nội do Bộ Y Tế công bố 2/7 đã tỏ rõ mối lo ngại về chất lượng nước ăn uống mà người dân Thủ đô đang hứng chịu.
Hàng loạt mẫu nước ở các trạm cấp không đạt chuẩn
Thực
hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã thành
lập 2 Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chất lượng nước sinh
hoạt tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong 4 ngày
(27-30/6), Bộ Y tế đã kiểm tra chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và 7
trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội, trạm cấp nước khu đô thị Nam Đô và
tại một số hộ gia đình tại 6 quận nội thành; đồng thời lấy 196 mẫu xét
nghiệm.
Kết
quả tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước có 5 /107 tiêu chí không đạt
ngưỡng theo QCVN01/2009-BYT về chất lượng nước ăn uống là: Clo dư,
Amoni, Pecmanganat, Asen, Mangan.
Tất cả 20/20 mẫu tại 20 cơ sở
cấp nước được lấy đều có nồng độ Clo dư cao hơn ngưỡng cho phép. Trong
khi 150 trên 155 mẫu lấy tại hộ gia đình, clo dư lại thấp hơn ngưỡng. Có
trong 7/20 mẫu tại cơ sở cấp nước và 15/155 mẫu tại hộ gia đình không
đạt chỉ tiêu Amoni.
Tỷ lệ không đạt này với chỉ tiêu Pecmanganat
tương tự lần lượt là 12/20 và 40/155, chủ yếu ở khu vực Quận Hoàng Mai.
Về chỉ tiêu Mangan có 1/20 cơ sở cấp nước cao hơn nồng độ cho phép tại
nhà máy nước Sơn Tây, cơ sở 1. Trạm cấp nước Mỹ Đình II không đạt chỉ
tiêu về asen khi có nồng độ cao gần gấp 2 lần ngưỡng cho phép.
Tại
buổi làm việc của Bộ Y tế với UBND TP.Hà Nội sáng 2/7, Thứ trưởng
Nguyễn Thanh Long đã đề nghị trạm cấp nước Mỹ Đình (thuộc Công ty TNHH
một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị) phải dừng hoạt động cấp nước
cho đến khi đảm bảo nồng độ Asen trong nước cấp phù hợp
QCVN01/2009-BYT.
Cũng
trong sáng 2/7, đoàn Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu
cũng đến kiểm tra chất lượng nước sinh họat tại tổ hợp Nam Đô 609 Trương
Định. Đây là một trong những điểm cấp nước sinh hoạt được Bộ Y Tế lưu
tâm sau hàng loạt những phản ánh về chất lượng nước sinh hoạt của người
dân không được đảm bảo được đăng tải.
Tại đây, 16 mẫu nước đã được
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường trực thuộc Bộ Y Tế niêm phong
mang đi xét nghiệm từ ngày 27/6.
Kết quả xét nghiệm nước tại bể
chứa của khu đô thị này cho thấy chất lượng nước cũng không đạt cả hai
chỉ tiêu về clo dư và pecmanganat. 4/15 mẫu nước được lấy tại các hộ gia
đình không đạt chỉ tiêu nitrit và 15/15 không đạt chỉ tiêu pecmanganat
và clo dư. Tại các bể mái có sự tồn tại của vi sinh vật ở mức độ thấp.
Tạp chất vượt ngưỡng ít cũng độc như thuốc sâu
Nghiên
cứu của các nhà khoa học cho thấy, Clo dư trong nước có thể phản ứng
với các yếu tố khác để hình thành độc tố gọi là trihalomethanes (THMs).
THMs có liên quan đến một loạt các chứng bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe con
người như hen suyễn và eczema, ung thư bàng quang và bệnh tim. Ngoài
ra, theo một vài nghiên cứu cho biết clo dư trong nước máy cao có thể
làm gia tăng tỉ lệ khuyết tật và sinh non ở phụ nữ mang thai.
Nước
có hàm lượng Clo thấp dưới tiêu chuẩn (0,3mg/lít) dễ bị nhiễm vi sinh
có thể gây đau bụng, tiêu chảy… Ngược lại, nước có hàm lượng clo vượt
quá tiêu chuẩn (0,5mg/lít) có thể gây ngộ độc.
Hàm
lượng Amoni vượt ngưỡng là dấu hiệu cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm bởi
chất thải có nguồn gốc động vật và có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh.
Bản thân amoni không độc, nhưng trong quá trình khai thác, xử lý và lưu
trữ nước, nó có thể chuyển hóa thành nitrit và nitrat.
Với Nitrit
(NO2- ) là ion vô cơ chứa nitơ (N) tự phát sinh trong môi trường và dễ
dàng đi vào các nguồn nước, đất… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và
động, thực vật khi hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép (QCVN).
Nitrit
rất độc, với hàm lượng 0,01 mg/l đã có thể gây độc hại cho sức khỏe con
người. Nitrit có tác dụng oxy hóa hemoglobin (huyết sắc tố) chứa trong
hồng cầu, biến hemoglobin thành methemoglobin (trẻ em mắc chứng bệnh này
thường xanh xao và dễ bị đe dọa đến mạng sống, đặc biệt là trẻ dưới 6
tháng tuổi).
Ngoài ra, NO2- trong cơ thể dễ tác dụng với các amin
tạo thành nitrosamine là 1 hợp chất tiền ung thư. Hàm lượng nitrosamin
cao khiến cơ thể không kịp đào thải, tích lũy lâu ngày trong gan gây ra
hiện tượng nhiễm độc, ung thư gan.
Về chỉ số Pecmanganat, là biểu
hiện lượng các chất hữu cơ có trong nước và để xác định mức độ ô nhiễm,
nhiều nước hiện không còn dùng chỉ số này.
Riêng về Asen mà Trạm
cấp nước Mỹ Đình hiện đang vượt chuẩn là một chất cực độc khi vượt
ngưỡng cho phép. Đây là một chất độc có thể gây ung thư da và phổi. Mặt
khác Asen ảnh hưởng đến thực vật như một chất cản trở trao đổi chất làm
giảm mạnh năng suất, đặc biệt trong môi trường thiếu photpho.
Theo
PGS. TS Trần Hồng Côn, Giảng viên khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự
nhiên, ĐHQG Hà Nội: "Những chỉ tiêu bắt buộc trong nước ăn uống đều phải
nằm trong khoảng cho phép mới an toàn với người sử dụng. Những chất này
dù lượng nhỏ, nhưng rất độc, giống như độ độc hại của thuốc trừ sâu”.